Chương trình đào tạo ngành Quan Hệ Công Chúng (PR) phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp
Đó là nhận định của các Doanh nghiệp đến từ các công ty truyền thông và tòa soạn báo trong hội thảo thẩm định chương trình đào tạo ngành Quan hệ công chúng theo chuẩn CDIO do trường Cao đẳng Việt Mỹ tổ chức vừa qua.
CDIO (tiếng Anh Conceive – Design – Implement – Operate), có nghĩa là: hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành, khởi nguồn từ Viện Công nghệ MIT (Hoa Kỳ). Cho đến nay, mô hình này được các trường ĐH, CĐ trên thế giới áp dụng ngày càng nhiều. Về bản chất, CDIO là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội (XH) trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo. Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic, có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau.

Thực học- thực nghiệp
Trong những năm gần đây, ngành Quan hệ công chúng (PR) là một trong những ngành đào tạo mới, thế nhưng sức hấp dẫn của ngành đến từ nhu cầu của thị trường lao động ngày càng cao, giúp cho ngành học thu hút được sự quan tâm, yêu thích của rất nhiều học sinh, sinh viên.
Nhằm giúp sinh viên tốt nghiệp ngành PR có thể đáp ứng được yêu cầu và môi trường làm việc áp lực tại doanh nghiệp, cũng như có đủ những kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc thật chuyên nghiệp, Khoa Quản trị trường Cao Đẳng Việt Mỹ xây dựng chương trình đào tạo ngành PR theo chuẩn CDIO.
Khác với chương trình đào tạo của một số trường Cao đẳng khác, Trường Cao Đẳng Việt Mỹ đào tạo sinh viên (SV) theo hướng chú trọng thực hành. Ngay ở học kỳ đầu tiên, sinh viên sẽ được học kỹ năng học tập, tin học, tiếng Anh và nhập môn của ngành đào tạo nhằm định hướng nghề nghiệp và một số kỹ năng SV cần rèn luyện trong quá trình học. Các môn học về chính trị, pháp luật và thể chất sẽ được dàn trải ở các học kỳ gần cuối trước thời gian sinh viên thực tập tốt nghiệp.
Với triết lý đào tạo “Thực học, Thực nghiệp”, tỉ trọng thực hành chiếm 70% trong khi học, SV được trực tiếp tham gia các chương trình như tham quan doanh nghiệp, kiến tập, thực tập làm việc tại doanh nghiệp ngay từ năm nhất. Song song là việc rèn luyện những kỹ năng như: kỹ năng tư duy phản biện (Criticle Thinking), kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving), kỹ năng làm việc nhóm (teamwork),… Khoa quản trị vận dụng công nghệ Digital Marketing cho tất cả các ngành đào tạo, trong đó ngành PR có quan hệ mật thiết với môn học này, theo xu hướng PR 2.0-4.0 hiện nay.

Chương trình đào tạo ngành PR theo chuẩn CDIO giúp SV hoàn thiện 5 kỹ năng gồm: Kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng CDIO (có nghĩa là: hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành, đề xuất cải tiến mới)
Ngoài ra, Khoa cũng thường xuyên mời chuyên gia, quản lý từ các công ty Truyền thông đến chia sẻ tại Hội thảo và lớp học giúp SV có những trải nghiệm và học hỏi thực tế về môi trường làm việc. CLB Truyền Thông gồm 3 ban: Ban nội dung, Ban sự kiện và hình ảnh do sinh viên ngành PR điều hành và thực hiện tổ chức các sự kiện, cuộc thi… nhằm trải nghiệm thực tế các kiến thức chuyên môn đã học trong ngành đào tạo.
Truyền thông nội bộ và kỹ năng viết rất quan trọng
Nhận định về chương trình đào tạo ngành PR, Bà Huỳnh Thị Thùy Trinh – Thư ký Tòa soạn Tạp chí Young Style, công ty Young Media cho rằng kỹ năng viết lách, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày trước công chúng là những kỹ năng rất quan trọng. Ngoài ra, nên bổ sung kỹ năng giao tiếp nội bộ và giao tiếp với khách hàng trong môn học giao tiếp kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga – PR Manager- CTy Truyền Thông và Giải Trí Điền Quân cảm thấy rất hài lòng về chương trình đào tạo ngành PR của trường và đánh giá về nội dung đào tạo rất phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. “Truyền thông nội bộ là môn học cần thiết về PR bên cạnh truyền thông đối ngoại. Trong những công ty lớn, mảng truyền thông nội bộ thường có 1-2 bạn đảm nhận riêng để mọi nhân viên được gắn kết với nhau, nắm bắt thông tin tốt hơn và doanh nghiệp hoạt động thông suốt hơn”, bà Nga chia sẻ
Ngoài ra, bà Nga nhận định môn Văn hóa Doanh nghiệp và Đạo Đức Kinh Doanh là một môn học rất đáng lưu tâm và cần thiết của ngành PR. Thực trạng sinh viên hiện nay “nhảy việc” quá nhiều chỉ vì chưa hiểu văn hóa của doanh nghiệp. Đồng thời, bà Nga cũng đánh giá cao việc phân bổ chương trình đào tạo 30% lý thuyết và 70% thực hành của Trường.

Theo ông Vũ Bá Thuấn – Giám đốc – Công ty TNHH Một Thành Viên Cây Đèn Thần, việc Nhà Trường chú trọng đào tạo tiếng Anh cho SV ngành PR là hết sức cần thiết vì hiện nay các tài liệu của ngành này đa số từ nguồn nước ngoài, tài liệu tiếng Việt cập nhật rất chậm xu hướng truyền thông của thế giới. Cũng như bà Nga, ông đánh giá cao việc đào tạo môn Văn hóa Doanh nghiệp và Đạo Đức Kinh Doanh. Tuy nhiên, ông cho rằng kỹ năng quản trị khủng hoảng của SV đòi hỏi phải tích lũy đa số kiến thức chuyên ngành, nên chuyển sang học kỳ 6, trước khi đi thực tế tại Doanh nghiệp vào học kỳ 7.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chia sẻ về môi trường làm việc áp lực của ngành truyền thông, đòi hỏi SV có khả năng chịu được áp lực cao, tính kiên nhẫn và chăm chỉ học hỏi, sáng tạo trong việc thiết kế ý tưởng.
Đại diện các doanh nghiệp đều nhất trí rằng, đối với sinh viên theo học ngành PR, kỹ năng viết rất quan trọng. Nhất là khi nhu cầu công việc trong công ty phải thường xuyên làm việc với nhà báo, làm thế nào đẩy bài PR đi liên tục mà vẫn giữ được sự chuyên nghiệp trong văn phong đòi hỏi sự luyện tập cao độ từ các bạn SV.
Dựa trên những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, các giảng viên của ngành PR, thuộc Khoa Quản trị sẽ thiết kế khung chương trình đào tạo theo CDIO sao cho phù hợp nhất với nhu cầu của doanh nghiệp.